Tôi đi xem hòa nhạc
Tôi vốn tính nhà quê, chân đất mắt toét, từ ngày chân ướt chân ráo lên Hà Nội đến giờ có biết ca nhạc, nhạc kịch hay hòa nhạc là gì đâu, lại càng không dám mơ một ngày được đặt chân vào Nhà Hát Lớn. Chỉ thỉnh thoảng bỏ tiền ra đi xem phim, thế là cũng văn minh lắm rồi. Thế nên hôm trước, cầm trong tay 2 tấm vé đi xem hòa nhạc mà lấy làm vui sướng lắm. Nhà Hát Lớn hẳn hoi. Khắc Uyên hẳn hoi. Andreas Boyde hẳn hoi (mặc dù mình chả biết hai bác này là hai bác nào, mãi sau đọc quyển sách người ta phát cho mới biết).
Tôi vốn tính thoải mái, ngay cả trong chuyện ăn mặc. Bình thường toàn quần đùi áo phông dép tông mặc đi làm. Không hiểu sao linh tính mách bảo thế nào, hôm ấy lại bỏ quần bò dài ra mặc. Cũng không đi tông mà chuyển hẳn sang dép da. Tuy không có được chững chạc như các “cán bộ” khác nhưng cũng đỡ “lấc cấc” hơn rồi. Đó là cái may thứ nhất. Mặc như ngày thường chắc họ chặn ngay ngoài cửa không cho vào mất.
Tôi vốn mù tịt về âm nhạc “bác học”, các nhà soạn nhạc lớn của thế giới cũng mới chỉ biết tên, chứ tiểu sử và các bản nhạc chưa có từng rờ đến. Thế là tranh thủ mấy tiếng trước giờ chiếu hỏi anh Google vài thứ cho đỡ quê. Thú thật là trước kia tôi có đú theo anh Bách, down mấy cái đĩa của Mozart và Beethoven về nghe thử, nhưng chỉ thấy buồn ngủ và chân tay thì bủn rủn vô cùng. Nên hôm nay đi xem có tí lo ngại. Ngồi hàng đầu, lỡ có ngủ gật giữa giờ thì xấu hổ và vô duyên quá.
8h kém 10 tối, Nhà Hát Lớn đông hơn thường lệ. Ô tô đỗ đầy trước cổng, người người ra vào tấp nập, khác hẳn ngày thường, là nơi trai gái tối tối mò lên tâm sự. Nghe loáng thoáng thấy toàn chuyện nhạc này nhạc nọ, nghệ sỹ này nghệ sỹ kia, tôi tránh vội. Lỡ người ta gọi vào hỏi đôi ba câu thì chỉ có nước độn thổ. Nhà Hát Lớn có khác, mát lạnh từ trong ra ngoài, đường vào chỗ gửi xe có qua một cửa hông của Nhà Hát mà tôi cứ tưởng gió mùa đông bắc mới về.
Đi qua gần 3 lớp cửa mới vào đến sân khấu chính, một lần lạc lên tầng 2, một lần lạc vào hàng ghế hai bên hông. Không khí trong nhà hát trang nghiêm và cổ kính, người người lầm rầm nói chuyện, khác hẳn những chỗ xô bồ đông người khác. Ngoài 2 dàn đèn ở 2 bên cánh gà thì tất cả nội thất trong phòng đều như của 101 năm về trước. Xem phim nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tôi được tiếp cận với một kiểu kiến trúc cổ như vậy. Trần nhà tuy có hơi loang lổ do thấm đôi chút nhưng vẫn còn nguyên nét nguy nga tráng lệ.
Đúng 8h, các nghệ sỹ lần lượt đi ra. Đầu tiên là Violin, Viola rồi đến kèn, trống (ngu muội không biết tên của bọn chúng là gì). Sau đó có 1 chị, mãi sau mình mới biết là Violin Mistress đứng dậy test (ngu muội chả biết dùng từ gì thích hợp hơn), chỉ biết là mắt chị hướng về phía nào thì phía đó bắt đầu phát ra một thứ âm thanh đều đều, được vài giây thì dừng hẳn. Sau đó, nhạc trưởng Khắc Uyên bước ra và bắt đầu chỉ huy dàn nhạc.
Tiếng nhạc vừa cất lên, mình như chết đứng luôn. Tim đập thình thịch, cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác. Mắt không thể rời khỏi Conductor và Violin Mistress, toàn cơ thể bất động, tinh thần hoàn toàn thoải mái, một cảm giác lâng lâng vui sướng trỗi dậy, khác hẳng với cảm giác khi nghe mấy bản nhạc trước đây. Nhạc trưởng phiêu cùng với bản nhạc, nâng chỗ này lên, hạ chỗ kia xuống. Kết thúc bản nhạc, khán giả vỗ tay rào rào không dứt.
Nếu như bản nhạc thứ nhất mình bị ấn tượng bởi nhạc trưởng thì đến bản nhạc thứ hai mình lại bị ấn tượng bởi nhạc công chơi dương cầm. Suốt cả bản nhạc, bác không cần nhìn vào music sheets, người đung đưa theo nhịp điệu, 10 ngón tay múa trên những phím dương cầm với tốc độ nhanh hơn cả gõ 10 ngón. Nếu như bản đầu tiên Violin chiếm ưu thế thì đến bản thứ 2, Violin lại chỉ làm nền khi tiếng dương cầm cất lên. Kết thúc bản nhạc, khán giả vỗ tay không dứt mấy phút liền, làm cho Andreas vào cánh gà rồi lại phải ra chào đến mấy lần, và cuối cùng phải đánh thêm một đoạn nhạc nữa thì khán giả mới chịu buông tha. Tiếp đến, bản thứ 3 lại là một sự thăng hoa khác của Khắc Uyên, khi mà cây đàn dương cầm chiếm phần lớn vị trí trên sân khấu đã được dọn đi.
Buổi hòa nhạc kết thúc lúc 9h30. Trải nghiệm đầu tiên quả là rất tuyệt vời. Có thể nhận ra giao hưởng là thứ nhạc mà chỉ có nghe trực tiếp mới thấy được tinh hoa của nó. Nhạc số cho dù có hiện đại như thế nào thì cũng không thể nào tái hợp lại được.